Gia đình là chiếc nôi để duy trì ngôn ngữ Tiếng Mẹ Đẻ
Bố mẹ biết không, theo trang tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo, “Việc duy trì Tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) không chỉ giúp cho cộng đồng ta trở thành một cộng đồng có bản sắc văn hóa riêng trong lòng xã hội sở tại, mà còn giúp duy trì mối liên kết thiêng liêng giữa cộng đồng với quê hương, đất nước”.
Ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN (Bộ Ngoại giao) đã nói “Ngôn ngữ là bộ phận không thể tách rời trong văn hóa của mỗi quốc gia. Vì vậy, duy trì được Tiếng Việt có nghĩa là chúng ta duy trì được bản sắc văn hóa của dân tộc ta ở bên ngoài.” Đó cũng là trách nhiệm của mỗi cá nhân bố mẹ trong mỗi gia đình.

Sống và làm việc ở Nhật hơn 11 năm, Cô Én nhận ra rằng cộng đồng và gia đình có một vai trò rất lớn trong việc học tập và duy trì Tiếng Việt của các con, bởi phần lớn thời gian trong đời sống của con là tiếp xúc và giao tiếp bằng ngôn ngữ nước sở tại. Vì thế, việc bố mẹ có ý thức hay có những hành động giúp con tiếp xúc với Tiếng Việt ngay từ bé hay không, có sử dụng Tiếng Việt làm ngôn ngữ (giao tiếp, chỉ dạy,…) trong gia đình hay không,… cũng có tính quyết định lớn trong quá trình hình thành sự yêu thích và lĩnh hội tiếng gia đình của trẻ. Bố mẹ chính là những “hình mẫu” “giọng mẫu” lý tưởng, là những người giáo viên “bản ngữ” lý tưởng của con.
Cô Én cũng nghĩ khi con mình lớn lên vẫn giữ được tiếng nói, giữ được văn hóa, có thể sử dụng Tiếng Việt tự nhiên, tự do trò chuyện được với mọi người, đặc biệt là người nhà, người thân bằng Tiếng Việt cũng là một niềm tự hào của mỗi bố mẹ.
Việc giữ gìn Tiếng Việt sẽ giúp cho mỗi người Việt luôn gắn bó tình cảm của mình với gia đình, với quê hương, nguồn cội. “Tiếng Việt còn thì người Việt còn” là vì vậy.