VỚI TRẺ EM GỐC VIỆT ĐANG SINH SỐNG TẠI NHẬT, TIẾNG VIỆT HAY TIẾNG NHẬT QUAN TRỌNG HƠN?
(Đây là bài thi hùng biện mà mình đã tham gia vào ngày 20.10.2019 với chủ đề “Nhật – Việt song hành” được tổ chức tại trường Đại học Aichi Gakuin, Tp. Nagoya, và mình đã được giải xuất sắc. Mình đã rất vui vì bài hùng biện của mình đã được đánh giá cao và đã góp 1 phần nhỏ trong việc khơi gợi lại niềm tự hào về nguồn gốc Việt Nam của các gia đình Việt Nam tại Nhật. Hôm nay mình đăng lại bài này như là một cách lưu giữ kỷ niệm, một cách mở đầu cho trang viết tình yêu mình dành cho tiếng Việt và con trẻ, và cũng là một cách nhắc nhở bản thân mình trên bước đường thực hiện ước mơ giữ gìn tiếng mẹ đẻ cho con và các bạn nhỏ khác.)
***************************************
– Mimi, Hôm nay con đi học vui không?
– うん、楽しかった。
– Thế hôm nay con học gì, chơi gì mà vui?
– すなば。- Vậy sau đó con có chơi gì nữa không?
– えとね、さんりんしゃのりたかったけどね、Aちゃんにだめといわれたから、みーちゃんは泣いた。
– Vậy chắc là con buồn lắm hả?
– うん、ミーちゃんものりたかったのに… でも、先生は二人ともはなししたから、なかなおりしたよ。よかったよ。
Trên đây là 1 đoạn hội thoại trong cuộc sống hằng ngày của tôi và con gái của mình. Khi đó, con gái tôi được 4 tuổi. Trong khi tôi dùng tiếng mẹ đẻ của mình là tiếng Việt để nói chuyện với con, thì con tôi đã dùng tiếng Nhật để đối đáp lại với tôi. Khi ấy, bản thân tôi đã không hề quan tâm hay nghĩ ngợi gì cả. Vì tôi cảm thấy thật là kỳ diệu và thú vị khi hai người sử dụng hai ngôn ngữ khác nhau mà vẫn có thể giao tiếp với nhau một cách bình thường. Và tôi đã vừa cười ha ha ha hô hô hô vừa kể lại chuyện ấy với bạn bè, với gia đình của mình tại Việt Nam một cách rất hào hứng. Tuy nhiên, khi con tôi dần lớn lên, thì những câu chuyện của con tôi cũng dần trở nên khó hiểu, khi tôi hỏi lại con “con nói gì, con gì đó” “nói lại lần nữa mẹ nghe với” thì con tôi đã phản ứng rằng “hông” “hông thèm nữa” và cứ thế im lặng không trả lời tôi thêm lời nào. Khó khăn trong giao tiếp đã vô tình tạo ra một khoảng cách giữa mẹ con tôi, và làm cho tôi luôn trong tâm trạng lo lắng “thôi không được rồi” “làm sao đây”. Điều này đã tạo nên động lực để tôi quyết định học tiếp lên chương trình sau đại học với đề tài nghiên cứu liên quan đến việc giữ gìn tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản. Trong quá trình theo học tại ngành Ngôn ngữ Xã hội thuộc trường đại học Osaka, tôi đã hiểu được tiếng mẹ đẻ của các trẻ em có nguồn gốc nước ngoài là vô cùng quan trọng, rất cần được giữ gìn và phát triển.
Giáo sư Jim Cummins, là một chuyên gia hàng đầu trong ngành giáo dục song ngữ ở Canada đã chỉ ra rằng, tiếng mẹ đẻ:
- Thứ nhất, là sợi dây liên kết giữa cha mẹ, gia đình và con cái. Nhờ vào sự giao tiếp trong gia đình mà trẻ có thể có được sự an yên trong tâm hồn;
- Thứ hai, là khả năng tư duy, một yếu tố có ảnh hưởng lớn đến năng lực học tập của trẻ về sau;
- Thứ ba, là nền tảng về bản sắc cá nhân của trẻ, nó giúp trẻ có được sự tự tin vào bản thân, và giúp hình thành nên nhân cách của trẻ.
Tại Nhật, hiện cũng có một số vấn đề xảy ra liên quan đến học sinh có nguồn gốc nước ngoài đang sinh sống và học tập tại đây. Theo Hiệp hội phổ cập tiếng Nhật cho người nước ngoài, có một bạn trẻ người Việt Nam khi được hỏi là có muốn học tiếng Việt không, thì bạn ấy đã trả lời rất tâm trạng rằng “có thể nói được thì tốt quá, em rất muốn được trò chuyện với bố”. Và theo Kawakami Ikuo, một nhà nghiên cứu về Người tị nạn đến từ Đông Dương đã nêu rằng: thế hệ thứ hai của người Việt tị nạn khi không được giúp đỡ trong việc duy trì và phát triển tiếng mẹ đẻ, thì việc không sử dụng được tiếng Việt đã làm cho họ dao động về bản sắc cá nhân, và thường có sự băn khoăn “tôi là người Việt mà chẳng có vẻ gì là người Việt, ngược lại rất giống người Nhật dù chẳng phải là người Nhật” hoặc là “nửa vời”, “Nhật không ra Nhật, Việt không ra Việt, cảm giác lưng chừng”, “không có nơi thuộc về”, những đứa trẻ không có đủ niềm tin như thế được đánh giá là khó mà có thể cống hiến tốt cho xã hội Nhật Bản được.
Tôi nghĩ rằng, mỗi một đứa trẻ Việt Nam đang sống tại Nhật, dù thế nào đi nữa, bên trong bản thân các em cũng tồn tại cả hai điều thiêng liêng là Việt và Nhật. Việt Nam là nguồn cội, là cha mẹ có công sinh thành, còn Nhật Bản là quê hương, là cha mẹ thứ hai, có công giáo dưỡng. Chẳng phải, đối với trẻ em, việc được sống và lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ chính là điều hạnh phúc nhất hay sao? Chẳng phải nhờ vào lòng biết ơn đối với công nuôi dạy của cha mẹ mà trẻ có động lực để khi lớn lên trở thành người có ích cho xã hội, đền đáp công ơn của cha mẹ hay sao?
Học giả Richard Ruiz đã nói “Người mà vừa thông thạo tiếng mẹ đẻ, vừa thông thạo tiếng sở tại chính là một tài nguyên”. Như vậy, đối với trẻ em gốc Việt tại Nhật, việc vừa coi trọng tiếng mẹ đẻ, vừa trân trọng tiếp thu nền giáo dục Nhật Bản sẽ giúp cho trẻ yên tâm về mặt tâm lý, tự hào về bản thân, mai sau khi lớn lên thành người sẽ cống hiến cho xã hội Nhật Bản, cho xã hội Việt Nam, góp phần nhỏ cho thế giới hòa bình.