NHẬT KÝ LỚP LÍU LO
NHẬT KÝ LỚP LÍU LO.
Nhân hôm nay là ngày Tiết Phân ở Nhật, mình cho các con trò chuyện về một trò chơi mà học sinh ở Nhật rất thường hay chơi, là trò chơi QUỶ ĐUỔI (tiếng Nhật là Onigokko).
Đây là một trò chơi tương tự như trò chơi rượt bắt (bắt rượt) / keng mà học sinh ở Việt Nam thường chơi, và là một trò chơi dân gian phổ biến được đưa vào nội dung môn quốc ngữ lớp 2 ở Nhật. Luật chơi của trò chơi có rất nhiều cách để chơi, nhưng nhìn chung sẽ có một bạn làm con quỷ, còn các bạn còn lại sẽ làm con người. Con quỷ sẽ chạy đuổi bắt con người, còn con người thì phải chạy sao cho không bị bắt. Tùy theo số lượng người chơi ít hay nhiều, “con quỷ” có tài chạy nhanh hay không, mà các bạn học sinh sẽ cùng nhau chọn 1 luật chơi nào đó cho phù hợp để trò chơi được kéo dài hơn, để được vui hơn, hoặc rút ngắn hơn để có thể chơi được trong những giờ giải lao ngắn ngủi giữa các tiết học.
Bằng những câu hỏi gợi ý như bên dưới, mình giúp các con có thể diễn đạt tốt điều mà mình muốn nói. Các con khi được hỏi đã tranh nhau trả lời và kể cho cô nghe, dạy cho cô nhiều cách chơi khác nữa, nhờ vậy mà ngoài những luật chơi mà cô đọc trong sách, cô cũng biết được ít nhất khoảng 13 cách chơi, ví dụ như: Kori-oni (bị bắt thì phải đứng im một chỗ), Banana-oni (bị bắt thì đứng chắp tay lên trên đầu và chờ 2 bạn cứu), Kawari-oni (bị bắt thì phải đổi vai làm con quỷ), hay là Fuyashi-oni (bị bắt thì cũng thành con quỷ luôn, nghĩa là số con quỷ sẽ nhiều dần lên),….và còn nhiều loại khác nữa.
Trong quan điểm của #Giáo_dục_song_ngữ, giáo dục #tiếng_kế_thừa
, qua nhiều năm mày mò học tập và nghiên cứu, mình tâm đắc nhất là ý kiến
“Chỉ khi được nói đến những điều mà mình có kiến thức, có hiểu biết thì mới có thể trình bày ý kiến của mình tốt nhất”
, hay
“Cần tạo một lớp học mà ở đó các con có thể tận dụng các nguồn vốn ngôn ngữ của mình để #tư_duy và #tư_duy_sâu hơn là chỉ_chăm_chăm_dạy_ngôn_ngữ”. Bởi lẽ song ngữ ở trẻ em khác với người lớn, vì quá trình này gắn liền với quá trình phát triển thể chất, phát triển tư duy của trẻ”.
Mình ví dụ như việc mình chạy một chiếc xe đạp bình thường và việc mình chạy một chiếc xe đạp trợ lực, thì nền tảng kiến thức có sẵn, hay những hiểu biết xung quanh cuộc sống của học sinh cũng giống như là chiếc pin_năng_lượng đang hỗ trợ hết sức cho con trên con đường phát triển thành người song ngữ giỏi. Và tất nhiên là nếu không có pin thì việc đạp một chiếc xe trợ lực thiếu điện thì cực kỳ nặng và mệt. Không khác gì khi chúng ta học tiếng Nhật hay tiếng Anh, hay một ngoại ngữ nào đó trong một chủ đề hoàn toàn mù tịt về kiến thức, vừa không hiểu tiếng, vừa không có hiểu biết thì học thật là ngán ngẫm và mệt mỏi.
Bởi vậy mà mình muốn sử dụng nguồn pin có sẵn của học sinh để áp dụng vào các lớp học #Líu_Lo, #Véo_Von, #Chíp_Chiu của mình, để mang đến #sự_không_sợ_không_ngại_tiếng_Việt cho các con, giúp các con có suy nghĩ
#Mình_có_thể_thể_hiện_bản_thân_bằng_nhiều_thứ_tiếng và #Điều_đó_thật_là_vui
Ngày Tiết Phân năm 2022.
Cô Én.
P/S: Giải thích về #Tiếng_Kế_Thừa
: hiểu nôm na đó là thứ tiếng mà lẽ ra là tiếng mẹ đẻ của các con, thế nhưng do môi trường sống các con chỉ giỏi nghe hiểu và ít nói bằng thứ tiếng đó. Với con em chúng ta thì đó chính là #tiếng_Việt ạ!
(Hình minh họa: Trích SGK quốc ngữ lớp 2)

10Bạn và 9 người khác1 bình luận1 lượt chia sẻThíchBình luậnChia sẻ