Tết Trung Thu tâm sự về “Sự tích chú Cuội cung trăng”
Tết Trung Thu tâm sự về “Sự tích chú Cuội cung trăng”
Nhắc đến trung thu, bên cạnh lồng đèn, bánh nướng, bên cạnh “tùng dinh dinh tùng tùng tùng dinh dinh” có lẽ là người Việt Nam ai cũng sẽ nghĩ ngay đến “Sự tích chú Cuội cung trăng” trong kho tàng các mẫu truyện kể về một ngày mùa thu trăng tròn nhất, to nhất, chiếu ánh sáng ấm áp khắp mọi nơi.
Vào ngày này, vào khoảng 6-7h tối là tầm mặt trăng treo lưng chừng gần nhất với tầm nhìn của mình theo hướng đông nên dễ dàng nhìn thấy hình ảnh “chú Cuội ngồi gốc cây đa” ở trên đó. Nhưng hầu như là trẻ con chưa tự mình nhìn ra hình ảnh đó mà đa phần là do người lớn mách bảo. Và rồi, để lý giải cho hình ảnh tưởng tượng ấy, người lớn lại kể lại câu chuyện mà người xưa cũng đã tưởng tượng ra – một tích chuyện có phần giả tưởng nhưng cũng có phần hợp lý.
Ngày nay, khi văn hoá sách tranh du nhập từ Nhật về Việt Nam, các cậu chuyện cổ tích, sự tích được viết lại, được nhào nặn lại nội dung mà người ta gọi là sáng tạo lại nội dung, vẽ thêm tranh minh hoạ để làm thành tác phẩm sách tranh trực quan sinh động, để trẻ con dễ đọc dễ hiểu dễ tiếp thu và dễ rèn “sự thích sách” cho con. Thế nhưng, thật đáng tiếc, khi mình đọc một vài quyển sách thì mình … bỏ ngang. Những mẫu truyện thần thoại, truyện cổ tích, truyện dân gian truyền miệng, có dị bản là lẽ thường tình (việc xác định đâu là chánh bản cũng khó chứ không dễ), nhưng người viết ra dị bản, và người duyệt dị bản đó để làm thành sách, mình nghĩ cũng cần đặt một chút “tâm” vào trong ấn phẩm.
Đơn cử sáng tác được xuất bản bởi NXB Kim Đồng và 1 sách khác mình không rõ NXB, ở đoạn “Chú Cuội nhìn thấy 4 con cọp con thì xông vào bổ cho mỗi con một nhát”. Đọc đến đây thì mình khựng lại “Ơ, chú Cuội hay nhỉ, vô duyên vô cớ lao vào giết cọp con, lại còn dùng từ “bổ mỗi con một nhát” quả là giết “cọp” không gớm tay”. Nội dung này nó khác với nội dung mà mình đọc được và thuộc từ ngày bé. Mình đã định không đọc cho con, nhưng sau đó mình vẫn đọc để xem con phản ứng như thế nào. Và quả đúng là con mình đã thắc mắc “sao tự nhiên chú Cuội giết mấy con cọp con vậy mẹ?”
Nếu bạn đọc lại bài tập đọc trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 3, tập 2, sẽ thấy mạch truyện nó dễ chấp nhận hơn, ít thấy chú Cuội ác ôn và vô lý hơn. Cuội lỡ tay giết chết hổ con vì phải tự vệ.
Rồi đến đoạn “chú Cuội chờ cọp mẹ đi khuất thì bứng cây thuốc quý mang về nhà” Con mình đã hỏi “Mẹ ơi, tại sao chú Cuội lại ăn cắp cái cây của con hổ, như vậy là hư phải không, làm như vậy con hổ có bị thương thì ko có thuốc nữa rồi” rồi con mình nó thành ra không thích nhân vật chú Cuội nữa. Mình phải giải thích rằng hành vi đó đúng là rất sai trái, cho nên chú Cuội đã phải lãnh hậu quả và chịu phạt vì vậy mình không hành động giống chú Cuội đâu con ha.
Mình trộm nghĩ, đọc sách cho con hay mua thật nhiều sách cho con là đúng đắn, nhưng đã là cha mẹ chúng mình cũng nên “tự thẩm định” nội dung, cái nào nên và không nên để tự chỉnh sửa và tìm cách giải thích cho con cho phù hợp. Bởi vì tất cả mọi thứ đều sẽ in sâu vào trong bộ óc như tờ giấy trắng kia.

Sách chính là để dạy con thành người!