ĐỂ NUÔI DẠY CON THÀNH NGƯỜI SONG NGỮ

ĐỂ NUÔI DẠY CON THÀNH NGƯỜI SONG NGỮ
Đây là chuỗi bài viết chủ yếu tham khảo từ tài liệu “Để nuôi dạy con thành người song ngữ – Đôi lời gởi đến các bậc phụ huynh người nước ngoài đang nuôi con tại Nhật” của Giáo sư Majima Junko, Giáo sư danh dự, cựu Trưởng khoa tiếng Nhật (cô vừa về hưu từ tháng 4/2021), cựu Giáo sư Khoa nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn hóa, Đại học Osaka. Chuyên môn nghiên cứu của cô là Giáo dục tiếng Nhật, giáo dục song ngữ, giáo dục tiếng mẹ đẻ và tiếng kế thừa.
Nội dung gồm:
1. Tầm quan trọng của tiếng Việt đối với trẻ em gốc Việt tại Nhật
2. Một số định nghĩa cơ bản và phân loại khả năng song ngữ
3. Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng song ngữ của trẻ
4. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc duy trì tiếng mẹ đẻ, tiếng Việt kế thừa trong gia đình
5. Các nguyên tắc để nuôi dạy con thành người song ngữ
6. Một số câu hỏi thường gặp.
Mình sẽ lần lượt viết về các vấn đề này theo thứ tự như trên.
Phần 1: Tầm quan trọng của tiếng Việt đối với trẻ em gốc Việt tại Nhật
Trước tiên mình giới thiệu sơ về 2 vị trí của tiếng Việt trong đời sống ngôn ngữ của trẻ.
Vị trí 1: Trường hợp các trẻ em sinh ra tại Việt Nam, đến khoảng 8-9-10 tuổi thì theo bố mẹ sang Nhật sinh sống thì tiếng Việt có vị trí là “tiếng mẹ đẻ”, bởi vì các em đã nắm vững tất cả các kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết bằng tiếng Việt rồi mới chuyển sang học tập một ngôn ngữ khác là tiếng Nhật.
Vị trí 2: Đối với trường hợp của các em sinh ra tại Việt Nam nhưng sang Nhật khi còn bé, hoặc các em sinh ra tại Nhật, đi nhà trẻ, mẫu giáo Nhật, tiếng Nhật có phần tốt hơn tiếng Việt thì tiếng Việt không còn được gọi là tiếng mẹ đẻ nữa, mà khi đó được gọi là tiếng kế thừa, là thứ tiếng mà trẻ được “di truyền” lại từ bố mẹ.(Cụ thể và chi tiết hơn, vui lòng xem phần 2 “Một số định nghĩa cơ bản và phân loại khả năng song ngữ”).
Về nội dung của phần 1, mình đã có đề cập đến 3 vai trò chính của tiếng Việt trong bài thi hùng biện “Với trẻ em gốc Việt đang sinh sống tại Nhật, tiếng Việt hay tiếng Nhật quan trọng hơn” và đang được mọi người đồng cảm.
Mình xin trích lại và diễn giải thêm như sau:
1. Tiếng Việt tạo sự gắn kết giữa bố mẹ và con cái:Dù là trong vai trò tiếng mẹ đẻ hay tiếng kế thừa, thì tiếng Việt cũng là sợi dây liên kết giữa cha mẹ, gia đình và con cái. Nhờ vào sự giao tiếp trong gia đình mà trẻ có thể có được sự an yên trong tâm hồn.
2. Tiếng Việt làm cơ sở cho khả năng tư duy:Điều này đặc biệt quan trọng với các trẻ em mà tiếng Việt đóng vai trò là tiếng mẹ đẻ, bởi vì để suy nghĩ hay suy luận một vấn đề gì đó thì phải có ngôn ngữ thì mới làm được. Trong khi tiếng Nhật đang trong quá trình tiếp thu và phát triển, thì trẻ cần sử dụng tiếng Việt để tư duy. Trong giai đoạn giao thoa giữa 2 thứ tiếng này, rất dễ tạo ra một sự gián đoạn, do vậy tiếng Việt cần được tiếp tục duy trì và phát triển để làm cơ sở cho việc học tập và tư duy của trẻ.
3. Tiếng Việt làm nền tảng cho lòng tự hào về bản thân:Khi được hỏi “Bạn người nước nào” hoặc khi được nhận diện là người Việt Nam hay là người gốc Việt, trẻ thường được gán cho một sự thật là “biết tiếng Việt” hay là “giỏi tiếng Việt”, vì thế nếu không thể trả lời những câu hỏi đại loại như thế một cách gọn gẽ thì cũng ảnh hưởng đến sự tự tin, niềm tự hào về bản sắc cá nhân của trẻ.
Ngoài ra, 4. Việc nắm vững tiếng Việt cũng giúp cho trẻ tăng thêm cơ hội và có thêm sự lựa chọn cho mình trong tương lai:Chúng ta, khi lớn lên, ai cũng có quyền lựa chọn cho cuộc sống của mình. Trẻ em cũng vậy, sau này các em sẽ có thêm sự lựa chọn nào đó cho công việc, cho nơi sinh sống. Đối với các gia đình mà kế hoạch “ở hay về” thì việc giữ tiếng Việt cho con cũng góp phần giúp cho bố mẹ dễ đưa ra quyết định hơn vì không làm ảnh hưởng đến việc học tập của con.
5. Học tiếng Việt là quyền của trẻBất cứ trẻ em nào cũng có quyền được học và sử dụng tiếng mẹ đẻ, tiếng nguồn gốc của mình, điều này đã được công nhận trên toàn thế giới.
Tham khảo:「子どもをバイリンガルに育てる!!外国から来て日本で子育て中保護者の方へ」- Majima Junko