学年だより – Bản tin lớp học

Bản tin lớp học của con bạn có tên là gì thế?
Là phụ huynh có con em theo học ở các trường học tại Nhật, từ nhà trẻ mẫu giáo, cho đến học sinh cấp 1, 2, 3, chắc hẳn chúng ta ít nhất cũng có vài lần than thở “Sao mà thư từ gì mà nhiều quá thể”, “Giấy tờ nhiều quá như này, biết đọc cái nào, cái nào mới cần đọc??” Mình cũng không ít lần chỉ xem lướt qua rồi dzục mất. Thật ra không phải vì mình lười không đọc, mà vì mình đã dịch khá nhiều tờ thông tin về cho gia đình nên mình cũng nắm được tin tức, dù trường mình đi hỗ trợ khác với trường con mình đi học, vì thế mà thông báo thư từ của con mình mình cũng thường lướt qua các nội dung chủ yếu về thời gian rồi thôi. Và may mắn là chưa lần nào mình “hụt” cả.
Đứng ở vị trí phụ huynh, mình cũng thấy thắc mắc “Sao Nhật cứ hô hào tiết kiệm, bảo vệ môi trường mà thông báo thư từ gì mà lắm, ngày nào cũng vài tờ”, đặc biệt là đầu hoặc cuối tháng, cuối học kỳ . Gồm có 学年だより mình dịch là “Bản tin lớp học” (từ giáo viên chủ nhiệm), bản tin từ phòng y tế học đường, các thông báo chi tiết nếu có sự kiện nào đó sắp diễn ra như là học bơi, hội thao, rồi thông báo khám sức khỏe, thông báo mua thêm dụng cụ học tập, vân vân và mây mây. Mình vứt rác cũng thấy hơi bực bực
Nhưng khi đứng ở vị trí của giáo viên hỗ trợ tại trường, mình lại hiểu được rằng phía nhà trường luôn muốn truyền đạt thật đầy đủ, chi tiết thông tin về sinh hoạt và học tập của học sinh, đặc biệt là muốn cho phụ huynh thấy được sự tiến bộ của con mỗi ngày, nên sau này mình cũng chịu khó đọc các thể loại giấy tờ được gởi về hơn.
“Bản tin lớp học” 学年だより thường sẽ ghi rõ cho phụ huynh biết là tháng sau con sẽ học những nội dung gì ở các môn học, ví dụ như môn toán sẽ học phép chia có số lẻ, môn văn sẽ học cách viết báo, môn đạo đức sẽ học về phép lịch sự nơi công cộng,….; trong tháng tới có những sự kiện gì sẽ diễn ra, ví dụ như: phụ huynh dự giờ tham quan lớp học, hội thao…. Rồi ngày nào học sinh sẽ tan học sớm hơn so với bình thường, ngày nào nghỉ bù, ngày nào tổ chức sự kiện, ngày nào để dự phòng,…. để phụ huynh nắm được giờ giấc con đi học con tan trường, rồi thêm chuyện mục nhắc nhở phụ huynh chuẩn bị đồ dùng học tập cần thiết để kịp cho giờ học của con,…Nội dung thông thường chỉ có như vậy thôi, nhưng khi dịch tờ bản tin này mình thường chú ý đến cái tên của nó hơn mình thấy thú vị với những cái tên được đặt cho chúng.
Ví dụ như:
たいよう: Thái dương => Mặt trời
わくわく1年生: Lớp một rộn ràng
たんぽぽ: Bồ công anh
Bluesky: Bầu trời xanh
なかよし: Hòa đồng
きっとできる: Sẽ làm được => niềm tin vào bản thân
じゃんぷ: Nhảy => tiến xa
カラフル:Sắc màu
きずな: Gắn bó
Vì sao mình lại thấy thú vị với những cái tên này như thế?
Bạn biết không, những cái tên của những tờ thông tin này mỗi năm sẽ thay đổi, mỗi lớp tự đặt cho mình 1 cái tên, và tất cả đều do cả lớp trao đổi, bàn bạc, thảo luận với nhau và quyết định, là do chính các con quyết định, chứ giáo viên chủ nhiệm không tự mình quyết định. Nếu bạn có duyên được có mặt trong giờ thảo luận sôi nổi đó thì chắc chắc bạn sẽ hiểu được vì sao tôi thấy nó thú vị. Mỗi cái tên đều có lý do của nó, đều mang trong nó một sự gởi gắm về một niềm tin nào đó, hoặc chỉ đơn giản là một ước mơ, một sở thích, một trào lưu đang nổi. Nhưng qua đó thể hiện được sự nắm bắt tình hình xã hội của học sinh, và rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thể hiện sự đồng tình và sự bất đồng quan điểm. Tụi nhỏ chúng nó tử tế với nhau lắm, mình chưa thấy chúng thảo luận mà thành tranh cãi bao giờ.
Khi mình tham gia trong giờ “đặt tên” ấy đôi khi mình cũng thấy bất ngờ với những lý do thơ trẻ hồn nhiên “Tớ thích đi máy bay để được bay cao và đi xa nên muốn đặt tên là Hikoki” Hay là các bạn lớp lớn (5,6) thì thường thích đặt tên kiểu tiếng Anh như colorful hay bluesky, brave cho nó chanh sả Còn học sinh lớp 1, thì có khi giáo viên chủ nhiệm chọn sẵn 1 vài cái tên đáng yêu rồi sau đó cho các con thảo luận và bình chọn. Vui lắm.
Còn khi mình không “trúng lịch” thì lúc nhận được tài liệu, mình thấy rất tò mò và thường tưởng tượng xem vì sao cái tên này được chọn vậy? rồi hỏi chuyện các con để biết. Có lẽ sự hồn nhiên, sự thông minh, sự đáng yêu đó của bọn trẻ cũng là một phần tạo cho mình sự hứng khởi trong công việc hỗ trợ tại trường tiểu học suốt 4,5 năm nay.
Tờ bản tin lớp học của con bạn có tên là gì vậy?
Bạn thử hỏi con xem ở lớp cái tên đó đã được quyết định như thế nào thử xem, có thể mỗi nơi sẽ có cách định tên cho “Bản tin lớp học” khác nhau, nhưng đây sẽ là một chủ đề mà bạn có thể trò chuyện cùng với con về trường lớp, hẳn là con sẽ rất vui vẻ kể cho bạn nghe, mình tin là vậy